Trong hầu hết các trường hợp, lá vàng/héo khô hoặc rụng tức là cây đã bị yếu ở mức nghiêm trọng. Tốt nhất là nên có một chế độ chăm sóc tốt ngay từ ban đầu hơn là đợi thấy bệnh rồi mới chữa. Cây cũng vậy mà người cũng vậy!
Có một chút phân biệt giữa trồng cây trong nhà và ngoài trời:
Cây trồng trong nhà
Nhìn chung, những loài cây làm bonsai hầu hết đều phát triển tốt nhất ngoài trời. Nếu đưa vào nhà chơi thì cũng chỉ chừng 1 tuần là nên đem ra ngoài. Nhưng nếu vì 1 lý do đặc biệt nào đó (nhà không có vườn, hoặc ngoài Bắc mà trồng cây miền Nam cần đem cây vào nhà tránh rét) thì bạn nên lưu ý 3 điều đơn giản như sau:
1. Thừa nước là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới hiện tượng héo lá. Khi thừa nước, đất sẽ không thoáng khí và đó là môi trường thuận lợi cho các loại nấm hại phát triển. Sau một vài tháng, rễ bắt đầu thối đen và mục nát. Khi đó rễ không còn khả năng cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây khiến lá xuất hiện các hiện tượng bệnh lý (héo, đốm vàng, xoăn v..v..). Bạn chỉ nên tưới nước khi thấy đất khô. Nếu sau chừng 1 tháng mà không thấy cây có vẻ tốt lên thì nên thay loại đất trồng khác.
2. Quên tưới cũng là một nguyên nhân. Chậu bonsai là khá nhỏ, nó nhanh chóng bị khô sau vài ngày không tưới. Khi đó, rễ sẽ teo đi và lá rụng như một biện pháp phòng vệ của cây để tránh mất nước. Chơi cây là việc tỉ mỉ, nó cũng rèn cho bạn tính kỷ luật. Vì vậy, dù bận thì cũng nhớ để mắt tới cây mỗi ngày, chỉ vài phút là đủ.
3. Vấn đề thứ 3 là ánh sáng. Bạn nên đặt cây gần cửa sổ, hướng nam là tốt nhất vì cây sẽ nhận được nhiều nắng nhất. Nên xoay cây 180 độ mỗi một tuần để cây nhận được ánh sáng đủ các mặt.
Cây trồng ngoài trời
Có một số loài bạn nên để ngoài trời quanh năm, điển hình là Tùng và Du Tàu. Tùng là loài thường xanh, trong khi Du Tàu rụng lá vào mùa thu và mùa đông.
Giả sử bạn thấy cây rụng lá hoặc khô lá một cách bất thường thì nên xem những vấn đề sau:
1. Một lần nữa, thừa nước là vấn đề phổ biến. Chất trồng quá nhiều dinh dưỡng và tưới nước thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển. Hãy chắc chắn rằng bạn chỉ tưới khi thấy đất hơi khô.
2. Sâu bệnh. Đây là vấn đề quá rộng về cách xử lý nhưng lại rất đơn giản về cách phòng ngừa! Đất trồng không nhiều dinh dưỡng, nhổ cỏ thường xuyên, tưới nước hợp lý thì bệnh ít thấy (kinh nghiệm bản thân!) Còn 1 số bệnh phổ biến như bọ trĩ trên cây sanh thì đành chấp nhận sống chung với lũ thôi, chắc chưa có cao thủ nào trị tận gốc được bệnh này.
3. Bón phân hợp lý là điều quan trọng. Như bác Vũ Hưng nói, tinh túy của việc trồng cây là ở chỗ không trộn phân bón vào đất trồng. Hãy để nó trên bề mặt chậu. Dinh dưỡng sẽ theo nước chạy qua rễ trong quá trình tưới. Cần phải nói thêm rằng hầu như cây chỉ lấy được dinh dưỡng khi bạn tưới. Do đó hãy tưới lâu nhất có thể (ít nhất là nước chảy qua chậu trong 1 phút). Còn nếu bạn có ý định cho cây ăn cả ngày bằng cách làm cho đất luôn có nước và dinh dưỡng thì xin xem lại mục 2: Sâu bệnh! Khi cần thêm hoặc bớt phân bón, chỉ nhấc viên phân khỏi mặt chậu là xong.
Có bạn đem bỏ phân NPK lên mặt chậu. Đó là một sai lầm bởi đạm (N) rất dễ tan trong nước. Lượng đạm quá lớn chạy vào đất khi tưới sẽ gây cháy rễ. Mặt khác, đạm lại dễ bay hơi nên sẽ hao hụt nếu trời nắng.
Một vài trường hợp lá bệnh hay gặp
Dưới đây là một vài trường hợp mà bạn đọc hay hỏi mình, mời các bạn xem qua cho đỡ mất thời gian hỏi.
1. Tùng bị khô lá.
Nguyên nhân: Úng, thừa phân, tỉa rễ quá mạnh tay khi thay chậu, nấm…
Khắc phục: Không có cách khắc phục! tới tầm này là cây chết hẳn rồi.
2. Cây bồ đề bị rụng lá khi để trong phòng. Cuống lá rụng có màu đen.
Nguyên nhân: Cây nhiệt đới đột ngột bị đem vào phòng máy lạnh nên sốc, rụng lá.
Khắc phục: Đem ra ngoài trời, để nơi thoáng mát.
3. Lá mai bị xoăn, đen chồi non:
Nguyên nhân: nấm.
Khắc phục: Tỉa mỏng tán lá, để nơi thoáng gió và nhiều nắng hơn, phun các loại thuốc trị nấm gốc đồng hoặc rượu tỏi (tỏi có tính kháng khuẩn khá tốt, lại an toàn).
4. Cây khai thác ở xa về, đi đường gió thổi nên bị mất nước, cụp lá xuống và sờ tay vào lá thấy nhũn nhũn.
Nguyên nhân: mất nước.
Khắc phục: có thể ngâm vào chậu nước như hình dưới. Lấy kéo tỉa bớt lá già để giảm thoát nước. Nếu là cây không thể vặt trụi lá như tùng/thông thì chỉ có cách trồng vào cát ẩm, để chỗ mát và chờ đợi.
5. Thiếu/thừa phân bón. Đây là vấn đề khó đối với người mới chơi cây. Chủ đề rất rộng, mời bạn tham khảo trước bài đoán nhu cầu phân bón qua hình dáng lá và bài 7 lưu ý khi bón phân. Có gì thắc mắc xin liên hệ với mình qua facebook Thiệnld.
Dưới đây là một ví dụ phổ biến: lá nổi gân xanh nhưng thịt lá bị vàng.
Nguyên nhân: thiếu sắt.
Khắc phục: để phòng ngừa có thể cắm vài cây đinh nhỏ (2 phân) rải rác trên mặt chậu. Nếu bị nặng cần bón phân hóa học.
Theo: Lê Đức Thiện - bonsaininhbinh.com
Nhận xét