Nguồn Bonsai Apex Building
Ngày trước, ta thường hay gặp việc tạo ngọn (apex) như một phần tách rời khỏi tổng thể cây, đó là một sai lầm. May mắn là ngày nay với công sức phổ biến nghệ thuật bonsai từ nước ngoài của một số đàn anh thì sai lầm này không còn thấy xuất hiện trên những cây mới nữa.
Ví dụ như cây này, ngọn tách hẳn ra khỏi tổng thể cây, nhìn thật không hợp lý (hình lấy trên mạng, xin lỗi chủ cây vì ý kiến cá nhân của người viết).
Hoặc như cây này, nhìn gần như không có ngọn.
Vai trò của ngọn cây
Ngọn cây sẽ quyết định hướng chuyển động của tác phẩm. Bạn xem, ngọn là phần cao nhất trên cái cây, lại có cấu trúc cành yếu hơn những phần bên dưới, do đó nó chịu tác động mạnh mẽ của gió và ánh sáng.
Ví dụ như cây trong tiểu cảnh này. Bạn xem, cây có hướng chuyển động về bên phải, ra phía mép nước, ngọn cây cũng hướng về bên phải. Người xem ngay lập tức từ trong tiềm thức của họ sẽ nảy sinh suy nghĩ rằng: gió đang thổi từ trái qua phải. Thử tưởng tượng ngọn cây quay ngược lại, người xem sẽ nghĩ: gió đang thổi từ ngoài biển vào.
Vậy nếu bạn đã đồng ý rằng “hướng của ngọn là hướng chuyển động của tác phẩm” thì ta nên tạo hình ngọn thế nào? Về mặt mỹ thuật, để tạo ảo giác về hướng chuyển động, bạn hãy xây dựng 2 bên ngọn có độ dốc khác nhau. Cây chuyển động về hướng nào thì đường bao của ngọn bên đó sẽ dốc hơn bên kia. Ví dụ đây là một ngọn tạo hình sai.
Đúng ra phải làm ngược lại như hình dưới, nhìn mới thuận mắt.
Cách xây dựng ngọn
Để cụ thể hóa một cách đơn giản nhất cách xây dựng ngọn, cụ John Naka hướng dẫn chúng ta như sau: “tạo ngọn cây như một cái cây con đặt trên cây lớn”. Nghĩa là tất cả mọi quy tắc tạo hình bonsai bạn hãy đem áp dụng hết cho cái ngọn, thế là bạn có một cái ngọn đẹp.
Chỉ có một điều khác, đó là phần ngọn là bộ phận non trẻ nhất trên cái cây, do đó hướng mọc của cành có xu hướng hướng lên trời nhiều hơn so với phần cành già bên dưới. Bạn xem hình dưới, độ “trĩu” của cành giảm dần khi lên đỉnh.
Đối với cây lá kim thì tình hình hơi khác một chút. Bởi vì cây lá kim không rụng lá, nên chẳng bao giờ người xem biết được bạn đã làm cái ngọn thế nào. Do đó bẻ 2 nhánh chữ T và nuôi chi mọc lên thành một cái tán là cách dễ nhất để tạo ngọn.
Nhưng đó là cách tạo ngọn ngày xưa của Nhật Bản. Ngày nay, ông Kimura đã làm thay đổi cách làm tàn lá của cả thế giới này. Ngọn cây lá kim được làm thưa thoáng hơn chứ không tròn như trái banh và kín đặc như ngày xưa. Cách làm tàn của ông Kimura hợp với sinh lý cây hơn, do đó cây khỏe hơn và kiểu tàn thưa này nhìn cũng đẹp hơn nữa. (mời bạn đọc thêm 4 bước làm tàn cây tùng của ông Kimura)
Đôi khi bạn cũng bắt gặp một cái cây không có ngọn. Điều này thực ra cũng hợp tự nhiên, nhưng theo ý kiến cá nhân mình thì nếu làm phần tán lá còn lại thành có ngọn thì còn đẹp hơn nữa.
Ví dụ như cây này, tán lá là phần cành còn lại sau khi ngọn bị gãy.
Để mình giải thích ý của mình, có thể hơi dài dòng 1 chút:
Bạn thử tưởng tượng, cái cây trên bị sét đánh gẫy ngọn, ngọn lũa đi và phần cành còn lại tạo thành cái cây như trên.
Sau một thời gian, cây chịu nắng mưa phong hóa, cây tiếp tục biến đổi, phần cành nhánh còn lại dần chuyển thành vòm hình tròn như bao cây khác. Tức là cây đã già hơn 1 mức nữa.
Bạn xem hình mình thử gọt đi 1 chút tán lá cho tròn hơn, bạn có cảm thấy cây già hơn không?
Tức là ý của mình ở đây là, tác phẩm bonsai mà ta ngắm hiện tại là phần còn lại sau một quá trình biến đổi. Cây lớn lên-> sét đánh gẫy ngọn (hình A) -> tán lá còn lại tiếp tục chuyển thành ngọn tròn (hình B). Bạn có đồng ý cây có ngọn già hơn cây không có không?
Kiểu cây lũa ngọn này ban đầu mình thấy nó không được tự nhiên, nhưng sau khi thấy nhiều cây thực tế cũng có hình dáng như thế thì cũng quen. Ví dụ cây bạch đàn này ở quê mình chẳng hạn. Có điều trước đây mình ít thấy trong cây cảnh Việt Nam có lẽ bởi đa phần cây cảnh được làm từ cây gỗ mềm (đa, sanh, mai chiếu thủy..) không làm lũa được.
Ngọn cây nhọn hay tròn?
Đây là vấn đề liên quan tới tầm nhìn trong kỹ thuật tạo hình. Mời bạn đọc bài những thách thức dính liền với tính nghệ thuật của bonsai trong loạt bài của tác giả Andy Rutledge để hiểu thêm.
Ở đây mình giải thích ngắn gọn thế này:
– Cây có tầm nhìn xa thì ngọn của nó có vẻ nhọn hơn (đi kèm với đó là những chi tiết khác: tỉ lệ thân/chiều cao cây nhỏ hơn, rễ ít thấy hơn, tàn lá thưa hơn, vỏ cây ít thấy rõ ràng hơn, lá nhỏ hơn v.v..)
– Cây có tầm nhìn gần thì ngọn nó tròn hơn (đi kèm với nó là rễ/thân chi tiết hơn, các tàn lá gần nhau hơn v.v..)
Theo: Lê Đức Thiện - bonsaininhbinh.com
Nhận xét