Cành lá kim đã cắt cần gì?
Cần nước
Cây sử dụng ánh sáng mặt trời (ánh sáng chứ không phải sức nóng của ánh sáng) để tổng hợp hidrat cacbon (đường) từ nước và CO2. Để lấy CO2, cây hấp thụ qua những lỗ đặc biệt gọi là khí khổng. Những khí khổng này có thể đóng mở được.
Khi khí khổng mở ra thì đồng thời nước cũng bị bốc hơi theo. Điều này không thành vấn đề với cây có rễ vì rễ vẫn hút được nước lên. Nhưng với cành đã cắt rời không có rễ, cũng không nhận được nước từ gốc ghép do chưa hình thành được các mô liên kết. Bởi vậy, chuyện tối quan trọng của giâm/ghép cây lá kim là phải giữ ẩm.
Nếu lá buộc phải đóng khí khổng lại để giữ nước, chúng sẽ không hô hấp được để tạo ra hidrat cacbon, lâu dần chúng sẽ bị “đói” mà chết.
Có 2 phương pháp chính để giữ ẩm đó lá phun sương hoặc bọc trong túi nilong trong (hoặc cái gì đó tương tự túi nilong).
Hệ thống phun sương
Nhân giống phun sương duy trì độ ẩm bằng cách liên tục phun sương lên bề mặt lá. Hầu hết các cơ sở sản xuất lớn sử dụng phương pháp này.
Ưu điểm:
- hạn chế việc thối gốc, nhiễm nấm bệnh do môi trường được thông thoáng.
- đảm bảo độ ẩm lúc nào cũng là tối đa.
- sương ngấm xuống đất cũng giống như hệ thống tưới nhỏ giọt, rất có lợi cho gốc ghép vì sẽ cung cấp 1 lượng oxy dồi dào và liên tục cho gốc.
- có thể làm số lượng lớn, đỡ phải bọc từng cây.
Nhược điểm:
- cần có nguồn điện, nguồn nước ổn định và liên tục.
- một số loài thích nghi điều kiện khô sẽ bị thối lá khi liên tục bị ẩm.
Hệ thống không phun sương
Có nhiều kiểu làm như 1 thùng xốp có đậy 1 miếng kính, bọc nilong vào cái lồng bàn rồi chụp lên cây, cho cây vào tủ kính, làm nhà kính v.v..Nhưng nhìn chung tất cả đều là tạo một môi trường kín để hơi ẩm không bị thoát ra ngoài. Cách làm phổ biến nhất là bọc túi nilong cho cành ghép.
Ưu điểm:
- Rẻ tiền, dễ làm.
Nhược điểm:
- Vì không khí tù hãm nên dễ gây nấm mốc.
Cần ánh sáng
Cây cũng hô hấp giống như người. Chúng hút CO2, dùng ánh sáng để thực hiện các phản ứng hóa học tạo ra đường nuôi cây. Nếu thiếu ánh sáng quá lâu chúng sẽ bị “đói” và chết.
Tuy cành ghép (hoặc giâm) chưa tạo được dinh dưỡng ngay do chưa hút được nước và khoáng từ rễ lên, nhưng chúng ta không thể biết lúc nào vết ghép sẽ liền và quá trình tổng hợp đường sẽ tiếp tục. Do đó cần thiết để cây nơi có ánh sáng nhẹ (nhẹ thôi để tránh mất nước) để cây có thể tổng hợp đường ngay khi vết ghép liền. Ngoài ra, nếu lâu không được tiếp xúc với ánh sáng thì các chất diệp lục trong lá sẽ bị mất đi.
Cần có dinh dưỡng dự trữ
Cành ghép (hoặc giâm) chưa thể tạo ngay được dinh dưỡng khi mới cắt. Do đó chúng phải có một lượng dinh dưỡng dự trữ sẵn bên trong cành. Tức là phải lấy những cành khỏe, bánh tẻ, lớn chừng cọng nhang là vừa và phải lấy từ cây mẹ mạnh khỏe.
Một số loài có thể hấp thụ dinh dưỡng qua lá. Nhưng nhìn chung bổ sung phân bón lá là không hợp lý bởi sẽ dễ gây nấm mốc, thối cành lá ở điều kiện môi trường ẩm và không khí ít lưu thông.
Vùng ra rễ của hom
Khi có đủ dinh dưỡng và nước, hom giâm có thể tiếp tục sống khi tách rời khỏi cây mẹ. Tuy nhiên điều chúng ta cần ở đây là hom phải tạo được rễ ở phần gốc của cành bị cắt.
Khi các tế bào hoạt động để tạo ra rễ, chúng hô hấp rất mạnh. Do vậy cần phải có đường và Oxy ở phần gốc của hom.
Chú ý: Rễ cần oxy chứ không cần CO2 như lá. Thứ hai là đường nói ở trên là đường dự trữ bên trong cành, bạn đừng cố gắng bổ sung phân bón gì cho cành giâm. Cần nhớ kỹ: cành giâm không cần bất kỳ phân bón gì, chỉ cần nước sạch.
Các chất điều hòa sinh trưởng mà ta quen gọi là “auxin” được tổng hợp ở các chồi và chuyển xuống rễ. Auxin được coi là tác nhân thu hút đường xuống phần gốc của hom, do đó thúc đẩy quá trình ra rễ. Chúng ta có thể bổ sung thêm Auxin trực tiếp vào gốc hom để tăng khả năng ra rễ cho cây. Bên cạnh việc ra rễ nhanh hơn, bổ sung auxin còn làm bộ rễ khỏe mạnh hơn.
Chú ý: Gốc hom giâm phải được cắt thật ngọt bằng dao sắc thì thuốc mới ngấm vào cành được.
Điều quan trọng thứ 2 là trong đất phải có đủ oxy. Nếu đất chặt quá, không khí sẽ không lưu thông được. Nếu đất hạt to quá, khó tạo môi trường tối và cây khó đứng vững. Tốt nhất là nên dùng loại hạt bất kỳ nào đó có kích thước 1mm làm chất trồng chính, dưới đáy lót loại hạt to cỡ 1cm để thoát nước, trên lớp 1cm lót 1 lớp 5mm mỏng cho hạt 1mm không bị lọt xuống dưới.
Vùng nối trên cành ghép
Khi ghép, chúng ta muốn tế bào sinh mô (tượng tầng hay lớp cambium) của cành ghép và gốc ghép mọc cùng với nhau để hình thành lớp gỗ và vỏ cây mới. Chức năng của mô gỗ là vận chuyển nước và khoáng từ rễ lên thân và lá. Chức năng của vỏ cây (libe) là vận chuyển dinh dưỡng theo cả 2 chiều, nhưng chủ yếu là vận chuyển các sản phẩm quang hợp được từ lá tới các phần khác của cây.
Như vậy, chỗ nối sẽ hình thành sao cho dinh dưỡng và nước có thể di chuyển từ lá tới rễ và từ rễ lên lá như một cây bình thường. Do đó ghép sao cho lớp cambium của cành ghép và gốc ghép tiếp xúc được với nhau là rất quan trọng.
Nếu mạch tượng tầng không được xếp đúng, cành và gốc có thể tạo được các tế bào mới nhưng chúng sẽ không nối lại được với nhau. Do vậy nước và khoáng không vận chuyển được và cành ghép sẽ chết. Rất khó để biết được cành lá kim đã chết hay chưa bởi trong môi trường ẩm, nhiệt độ thấp và ánh sáng nhẹ lá của cây lá kim sẽ tươi rất lâu. Có thể phải 3-6 tháng mới biết cành ghép đã chết.
Một số nguyên nhân gây chết hom giâm
Trích thông tin từ tài liệu “Nhân giống sinh dưỡng cây gỗ rừng nhiệt đới” của các tác giả Janet McPherson Dick, Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Cảnh
Đăng bởi Lê Đức Thiện - bonsaininhbinh.com
Nhận xét