Giới thiệu chung
Cây lá kim là một nhóm lớn thuộc ngành cây hạt trần có thân gỗ. Cây hạt trần khác với cây hạt kín (thực vật có hoa hay cây lá rộng) là cây không ra hoa mà chỉ tạo nón, nón phát triển thẳng thành quả và hạt.
Cây lá kim thường có thân gỗ cứng khó mục, sinh trưởng đỉnh mạnh nên thường có tán cây dạng nón (tưởng tượng như cây thông nô en vậy). Cây lá rộng thì các cành bên phát triển đồng đều nên cây mọc lòa xòa. Các cây lá kim có lá thường mảnh, nhỏ. Những đặc điểm này làm cho cây lá kim rất thích hợp cho việc tạo dáng, tạo thế, tạo tán.
Người ta thường nghĩ cây lá kim chỉ sống tốt ở vùng lạnh nhưng không phải. Ở Việt Nam nhiều loài lá kim sống rất tốt và là những loài cây chiếm kỷ lục về mọi mặt trong hệ thực vật:
– Cây cao nhất: cây Bách tán Đài Loan (Taiwania cryptomerioides) ở Lào Cai cao trên 50m.
– Cây to nhất: những cây Pơ mu (Fokienia) hay Sa mu (Cunninghamia) cổ có đường kính trên 2m.
– Cây già nhất: tuổi những cây lá kim, nhất là họ Thông có thể tới hàng trăm năm.
Tên gọi các loài lá kim
Tên gọi cây lá kim thường gặp là tùng, thông, bách, sam, nhưng tên tiếng Việt hay tiếng địa phương nói chung ít chính xác, hay chỉ chính xác trong những vùng, những nhóm người nhất định. Tốt hơn vẫn là dùng tên tiếng La tinh.
Từ “Thông” thường dùng để chỉ cụ thể nhóm cây lá kim chi Pinus, có lá mọc thành cụm, lá nhọn, mảnh như kim. Cụm lá có từ 2 đến 5 lá. Càng nhiều lá là những cây càng ưa lạnh.
Từ “Sam“, tiếng Tàu cũng có nghĩa là Thông, nhưng ở Việt Nam thường dùng chỉ các loài họ thông (Pinaceae), nhưng có lá dẹt như Thiết sam (Tsuga), Thiết sam giả (Pseudotsuga), Vân sam hay Lãnh sam (Abies), Du sam (Keteleeria).
Từ “Bách” nói đến các loài tương tự như Bách tán, tức là họ Hoàng đàn (Cupressaceae) như Bách tán Đài Loan (Taiwania), Bách vàng (Xanthocyparis), Bách xanh (Calocedrus).
Từ “Tùng” dùng chung gọi các loài cây lá kim, nhiều khi cả cây lá rộng mọc dạng tán hình nón (tùng cối?). Hiểu hẹp hơn thì từ “tùng” dùng cho cây lá kim họ Kim giao (Podocarpaceae) như Hồng tùng (Dacrydium), Bạch tùng (Podocarpus imbricartus), Tùng la hán (Podocarpus spp).
Còn có từ “mu” hay “mộc” dùng cho một số loài cây họ Hoàng đàn như Pơ mu (Fokienia), Sa mu – Sa mộc (Cunninghamia).
Vài dòng về tên gọi cây lá kim để các bạn thấy sự phong phú các loài cây này ở Việt Nam. Người chơi có không ít sự lựa chọn, miễn là phải hiểu và biết mình định chọn chơi cây gì.
Một số loài cây lá kim “được quan tâm”
Tổng cộng Việt Nam có 29 loài cây lá kim, nhưng ở đây mình chỉ nêu ra vài loài hay được quan tâm bởi giới cây cảnh (hoặc giới săn cây quý!!).
Thông 5 lá Việt Nam
Ở Việt Nam thông 5 lá có 2 loại.
Một loại là Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis Chen) gặp ở miền Bắc, trên các đỉnh núi đá ở độ cao trên 1500m so với mặt biển. Vì mọc trên đá nên cây mọc dang gần giống như cây bonsai, tức là thành thế, thành dáng thật sự (xem ảnh đầu trang). Có khi ngắm những cây thông đá tự nhiên này các bạn cũng sẽ có cảm hứng để làm cấy thế, chưa cần mang cây về trồng.
Thông Pà Cò khó sống, ưa khí hậu lạnh. Do đó mấy bạn nhà giàu miền xuôi đừng nuôi ý định đánh cây rừng về bán làm gì. Tuy nhiên, đây là loài cây bonsai tiềm năng của Việt Nam. Để lấy giống, tốt nhất là giâm cành thật nhiều rồi ghép vào gốc thông nhựa (Pinus merkusii).
Loại Thông năm lá thứ hai gọi là Thông Đà Lạt (Pinus dalatensis de Ferre), mọc trên núi đất, ở độ cao khoảng 2000m. Mọc trên đất nên cây to, cao, thẳng. Cây gặp trên các đỉnh núi của Tây Nguyên. Cách thuần dưỡng thông Đà Lạt tốt nhất cũng là ghép trên gốc thông nhựa.
Cả hai loài thông năm lá trên đều là loài đặc hữu hẹp (phân bộ hạn chế), chỉ gặp ở Việt Nam, hoặc ở một số địa điểm lân cận ở Lào hay Vân Nam – Quảng Tây Trung Quốc.
Thủy tùng
Tên gọi khác là thông nước (Glyptostrobus pensilis (Staunton) K.Koch). Đây là loài lá kim cổ nhất với lịch sử được ghi nhận là trên 100 triệu năm. Cho tới gần đây chi này vẫn còn được phân bố rộng rãi ở châu Á và châu Âu, nhưng sau các đợt băng hà thì hiện nay chỉ còn lại 2 quần thể nhỏ ở Đắc Lắc. Đây là một trong những kho báu của thiên nhiên Việt Nam.
Cây cao tối đa 20m, đường kính ngang ngực lên tới 1m. Cây mọc đứng hình tháp, cây già tán rộng hơn, chồi nhỏ thường rụng theo mùa. Rễ khí thường thấy quanh gốc cây hơi bạnh vè. Vỏ màu nâu đỏ, dạng sợi và thường tách thành các đường. Lá có 2 dạng: lá trưởng thành dạng vảy ép sát cành trên các cành ra nón, lá non và lá mới hình dải dài 6-10mm và có lỗ khí trên các mặt lá. Nón xuất hiện vào tháng 7-10, chín vào tháng 11 năm sau. Hạt hình trái xoan 5-6mm có cánh dài ở lưng hạt.
Thủy tùng ở Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng do cháy rừng và khai thác trái phép. Người ta đồn nhau cây này tốt cho phong thủy…bla..bla…gỗ cây này chịu nước nên bị dân giàu có đem đóng quan tài…Mình thì thấy cây này chỉ có giá trị về cân bằng tự nhiên, chứ phong thủy đâu chẳng biết, phá vậy rồi mấy chốc “phong thủy” cả thế giới này cũng tới hồi mạt. Trái đất nóng lên, nước biển dâng, lụt…đều từ đó mà ra. Chuyện đương nhiên mà nói hoài không hiểu, cứ nhắm mắt phá nếu thấy cái lợi trước mắt.
Thủy tùng có thể nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành, nhưng tỉ lệ ra rễ thấp.
Bách xanh
Tên gọi khác là trắc bách diệp núi, tùng hương (vì gỗ nó có mùi thơm ngát), pơ mu giả. Tên khoa học là Calocedrus macrolepis Kurz.
Bách xanh cao tối đa 25m, đường kính 60-80cm. Cây mọc đứng, thân thẳng, phân cành thấp, tán rộng. Vỏ màu xám tới nâu đỏ, nhẵn trên cây non, nứt dọc trên cây già. Lá dạng vảy, dẹt 1-3mm, xếp thành 2 cặp. Mỗi vảy của cặp bên (nhỏ hơn) trong dẹt, ép sát vào thân. Vảy của cặp ngoài lớn hơn, hình thuyền, thường có dải lỗ khí phân biệt. Nón cái đơn độc ở đỉnh, nâu đỏ khi chín, hình bầu dục, dài 1-2cm, không bền, rụng sớm, giải phóng hạt khi còn dính trên cây.
Cây thường mọc ở độ cao 800-1500m, mọc thành đám nhỏ trong rừng núi đá vôi hoặc núi đất phong hóa từ đá granit. Đây là loài ưa sáng, thường sẽ chết khi bị che bóng bởi cây khác trong vòng 5 năm.
Cây có thể nhân giống vô tính hoặc hữu tính. Nếu trồng từ hạt thì có thể thu quả chưa mở miệng trên cây vào khoảng tháng 8-9 (dương lịch). Hạt mới thu hái cho tỉ lệ nảy mầm tới 70% trong vòng 24 ngày. Nếu giâm hom xử lý thuốc IBA (1 loại hóc môn sinh trưởng, không thấy bán trên thị trường) có thể đạt tỉ lệ sống tới 80%
Thông nhựa
Tên gọi khác là thông 2 lá (Pinus merkusii Junghuhn & de Vriese). Đây là loài thông 2 lá duy nhất được coi là loài bản địa của Việt Nam.
Đây là cây đơn thân, cao tới 30m và đường kính ngang ngực tới 60-80cm. Cây thân thẳng với tán lá thưa. Vỏ dày màu nâu đỏ, nứt thành từng đường dọc sâu. Lá kim mọc thành cụm 2 lá, vảy lá dài 2cm và không rụng. Lá dài 15-25cm, rộng 0,5-1mm, cứng, màu xanh đậm. Nón quả hình trứng, mọc đơn độc hoặc thành cặp, không rụng luôn sau khi giải phóng hạt. Hạt nhỏ màu nâu đỏ nhạt, có cánh dài 2cm.
Cây mọc ở độ cao từ mực nước biển tới 1200m, ưa đất có độ pH khoảng 4,5. Cây thích khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 22-27°C, lượng mưa 1300mm/năm.
Đây là loài ít được làm cây cảnh do lá dài quá, nhưng do sức sống mạnh nên có thể dùng làm gốc ghép những loài khó tính khác như thông 5 lá Pà Cò, thông Đà Lạt.
Cây có thể gieo từ hạt với tỉ lệ nảy mầm lên tới 90% với hạt thu ở vùng thấp, hạt ở vùng cao có tỉ lệ nảy mầm thấp hơn. Có lẽ nhân giống được bằng cách giâm hom nhưng chưa ai thử!
Thông tre lá dài
Tên khoa học là (Podocarpus neriifolius D. Don). Cây cao tới 25m, mọc đứng với tán trải rộng. Vỏ màu nâu, mỏng và dạng sợi, bóc tách thành mảng. Lá mọc vòng quanh cành, hình dải mác, dài 7-20cm, rộng 2cm, gân giữa nổi rõ cả 2 mặt, đỉnh lá thường nhọn. Lá non mới ra có màu đỏ. Nón (quả) phân tính khác gốc, cấu trúc mang hạt đơn độc, cuống dài 1-2cm, đường kính đế tới 1cm, gốc dẹt, có 2 lá bắc ở gốc, màu tím đỏ khi chín, phần quanh hạt màu đỏ hồng khi chín. Nón đực mọc đơn độc hoặc thành cụm 2-3 ở nách lá, thường không có cuống và dài tới 5cm.
Cây mọc tự nhiên ở độ cao 600-1500m. Thường thấy trên đất có độ phì nhiêu cao, nhiệt độ trung bình 21-26°C, lượng mưa trên 1500mm/năm. Nhân giống hữu tính từ hạt là khó vì hạt rất hiếm, nếu giâm hom thì tỉ lệ thành công đạt 55-60%.
Thông tre lá ngắn
Tên khoa học là (Podocarpus pilgeri Foxworthy). Cây cao chừng 5-15m, đường kính ngang ngực dưới 1m. Tán lá thưa, thường mọc thành vòng 5 cành. Vỏ đỏ hoặc nâu, bóc tách dọc thành các mảnh, vỏ bên trong màu nâu nhạt. Lá hình dải mác hoặc bầu dục, thường mọc thành cụm ở cuối cành, dài 1,5-8cm, rộng 1-2cm. Đỉnh lá tròn, đôi khi có mấu, thường có màu xanh ở mặt dưới, lá non màu đỏ. Cành nhỏ dạng ống với 4 mặt. Nón phân tính khác gốc. Cấu trúc mang hạt đơn độc ở nách lá, đế màu tím đỏ, hạt màu tím lục hình trứng.
Cây mọc ở độ cao 500-1500m, thường mọc trên núi đá vôi. Thích ở nơi nhiệt độ trung bình 18-23°C, lượng mưa 1500mm/năm. Nhân giống hữu tính từ hạt là khó vì hạt rất hiếm, nếu giâm hom thì tỉ lệ thành công đạt 55-60%.
Nguồn thông tin trích từ tài liệu “Cây lá kim Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đức Tố Lưu và Philip Ian Thomas, do bác Minh Xuân dịch
Theo bonsaininhbinh.com
Nhận xét