Ghép là một thuật ngữ bao trùm, gồm nhiều kỹ thuật ghép khác nhau. Về cơ bản là tạo ra sự hợp nhất giữa 2 cây có quan hệ họ hàng gần gũi (ví dụ thông nhựa với thông Pà Cò). Mục đích là nối 2 mảnh mô sao cho chúng “dính” vào nhau và phát triển như 1 cây thống nhất.

Có rất nhiều phương pháp ghép khác nhau được nghiên cứu phát triển qua hàng thế kỉ. Mỗi người, mỗi loài, mỗi quy mô sản xuất khác nhau có những cách ghép khác nhau. Trong bài này chỉ giới thiệu cách ghép đơn giản là ghép cành lên gốc ghép được nhân giống từ hạt. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh gọn, có thể làm quy mô lớn. Nhược điểm là tỉ lệ sống không cao như 1 số phương pháp khác.

Điều kiện quan trọng nhất để ghép thành công là cần tiến hành vào mùa cây nghỉ. Ở miền Bắc là tầm tháng 10 tới tháng 2 âm. Miền Nam là khi lá đã già và trước lúc cây bung lá mới tầm 2 tháng (mình không rành thời tiết miền Nam). Trong giai đoạn cây phát triển và sinh trưởng (tức là khi ra lá mới hay tạo quả) thì cây sẽ dành toàn bộ năng lượng cho việc ra lá/quả và bỏ cành ghép.

Thứ nhì, đừng để cành ghép quá thấp so với ngọn. Vì cây lá kim có ưu thế phát triển ngọn mạnh nên nếu ghép thấp quá sẽ khó dính.

4 bước ghép với gốc ghép từ hạt bao gồm:

  1. Tạo gốc ghép
  2. Thu hái cành ghép
  3. Ghép 2 phần lại với nhau
  4. Chăm sóc sau ghép

Gốc ghép

Gốc ghép từ hạt có ưu điểm là do bộ rễ trẻ nên khỏe, dễ liền vết ghép. Thường dùng gốc loài khỏe như thông nhựa để ghép vào các loài khó tính hơn như thông Pà Cò, thông 5 lá Đà Lạt.

Gốc ghép cần tương thích với cành cả về hình thái lẫn sinh lý. Tức là cành ghép cần có đường kính gần bằng gốc ghép. Tương tự nếu cành ghép đang ngủ mà gốc ghép đang sinh trưởng mạnh hoặc ngược lại thì cũng không ghép được với nhau vì nhựa cây sẽ không đủ để hình thành chỗ nối.

Cành ghép

Cành ghép cần được thu hái và ghép luôn trong ngày, càng sớm càng tốt. Chỉ chọn những cành khỏe, hướng lên trời, không sâu bệnh. Sau khi cắt cành ghép cần mau chóng bỏ vài túi nilong buộc kín và đem về ghép sớm. Đường kính cành cần tương đương với gốc ghép bởi nếu không lớp tượng tầng (cambium) của 2 phần sẽ không tiếp xúc được với nhau và sẽ không liền được vết ghép.

Nối cành ghép và gốc ghép

Lớp tượng tầng (cambium-1 lớp mỏng nằm giữa phần gỗ và vỏ) của cành ghép cần phải được đặt thật sát với gốc ghép và buộc chặt cho tới khi nào vết ghép hợp nhất được hình thành. Thường sẽ phải cắt bớt lá của cành ghép vì cành sẽ không hút được nước cho tới khi nào 2 phần liền với nhau.

Thao tác mở gốc ghép và cắt vát cành ghép cần phải làm ngay trước khi ghép, nếu để lâu gốc sẽ hình thành một lớp bảo vệ cản trở việc các tế bào hợp nhất.

Sau khi ghép, cần cố định chắc bằng dây buộc để cành ghép không bị lung lay. Sau đó bọc nilong để tránh mất nước cành ghép.

Chăm sóc sau khi ghép

Cần định kỳ kiểm tra bọc nilong hàng tuần xem có dấu hiệu nấm/thối không. Nếu có cần mở hé 1 đầu túi nilong trong 2 ngày cho thoáng rồi buộc lại.
Để cây nơi nắng nhẹ, ít gió.

Mời bạn xem thử cách mà người Tây ghép thông. Nói chung là cũng như ta vẫn làm vậy thôi, quan trọng là giúp bạn có niềm tin rằng thông ghép được!

Trích thông tin từ tài liệu “Nhân giống sinh dưỡng cây gỗ rừng nhiệt đới” của các tác giả Janet McPherson Dick, Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Cảnh

Đăng bởi Lê Đức Thiện - bonsaininhbinh.com

Nhận xét