Phương pháp nhân giống này được sử dụng nhiều nhất trong nhân giống cây lâm nghiệp về số loài cũng như số hom (cành) được nhân giống thành công. Chú ý là với cây lá kim thì PHẢI GIÂM CÀNH CÓ ĐỦ LÁ VÀ CÓ NGỌN. Chỉ một số ít cây gỗ mọc nhanh là có thể giâm từ hom không có lá (chỉ có thân). Phần lớn các cây thân gỗ nói chung đều cần ít nhất 1 lá để tổng hợp đường cho hom trong giai đoạn ra rễ. Đặc biệt lưu ý thêm là giâm cây lá kim cần có đầy đủ cả ngọn. Ngọn cây là nơi tạo ra auxin, yếu tố kích thích ra rễ.

Năm giai đoạn nhân giống bằng giâm hom có lá:

  1. Chọn cành trên cây mẹ.
  2. Thu hái hom.
  3. Chuẩn bị hom giâm.
  4. Đặt hom vào bầu giâm.
  5. Huấn luyện hom ra rễ.

Chọn cành trên cây mẹ

Hom cần được lựa chọn từ những cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh và còn trẻ. Tốt nhất nên chọn những chồi mọc thẳng hướng lên trời, chúng sẽ phát triển khỏe mạnh hơn những chồi mọc nghiêng từ cành bên của cây mẹ. Trừ khi bạn có ý định làm cây dáng đổ thì mới nên chọn chồi bên của cây mẹ. Cần lưu ý rằng khi giâm hom từ cành ngang hầu hết các loài thuộc họ Thông (Pinus) khi phát chồi mới sẽ mọc thẳng lại lên trời, trong khi các loài thuộc họ Hoàng Đàn (Cupressaceae) thì sẽ tiếp tục mọc nghiêng.

Đối với mục tiêu nhân giống làm bonsai, những tiêu chí về vẻ đẹp cũng cần được chú ý. Cụ thể, nên chọn cây mẹ có vỏ sần sùi, lá ngắn và dày, cây lùn và nhiều cành nhánh.

Thu hái hom

Khi thu hái, rất cần thiết phải đảm bảo cho hom không bị mất quá nhiều nước. Hom có khả năng hấp thu nước rất hạn chế cho tới khi có rễ mới. Do đó cần đảm bảo bầu không khí xung quanh hom luôn được ẩm. Thông thường nhất là cho hom vào túi nilong có một miếng vải hoặc miếng mút xốp nhúng nước. Điều quan trọng thứ hai là phải giữ mát cho hom, tức là để chỗ râm mát.
Những điều cần nhớ khi thu hái hom để giâm:

  1. Chỉ lấy những hom không bị sâu bệnh.
  2. Giữ hom luôn ẩm và mát.
  3. Giâm hom càng sớm càng tốt.
  4. Tránh để hom qua đêm rồi mới giâm.

Chuẩn bị hom giâm sau khi thu hái

Giảm mất nước tối đa là điều cần thiết, do đó bạn cần chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết trước khi mở túi đựng hom. Những thứ cần chuẩn bị bao gồm:

  1. Dao thật sắc.
  2. 1 chậu nước sạch để bỏ hom vào sau khi mở túi hom.
  3. Các loại thuốc kích thích sinh trưởng mà bạn có. Tùy loại thuốc, có thể bạn sẽ pha luôn thuốc vào chậu nước đựng hom.
  4. Thùng đựng và đất giâm hom. Đất giâm tùy vào điều kiện thực tế của bạn, nhưng tốt và đơn giản nhất là lấy luôn đất nơi cây mẹ sống và trộn thêm một số thứ giúp tơi xốp và thoát nước như xơ dừa, xỉ than, cát v.v.. Mọi thứ cho thêm vào cần ngâm rửa kỹ từ trước bằng nước sạch.

Đầu tiên, mở túi hom trút tất cả cành thu hái được vào chậu nước và làm lần lượt các bước sau:
A. Tách hom giâm khỏi cành bằng kéo thật sắc.
B. Tỉa lá phần gốc của hom chỗ sẽ cắm ngập vào đất nếu không phần này sẽ bị thối gây bệnh. Có một mẹo nhỏ ở đây là hãy chừa lại 1 mấu ngắn (không có lá) để hom giâm đứng vững, không bị xoay khi tưới nước hoặc gió thổi.
C. Chấm gốc hom giâm vào thuốc kích rễ. Rất nhiều loài cây sẽ tiết ra nhựa cản trở việc hấp thụ auxin nên phần gốc hom phải cắt xong là chấm thuốc luôn. Hầu hết các loại thuốc kích rễ bán trên thị trường cũng có pha thêm thuốc chống nấm bệnh.

D. Dùng đũa chọc một lỗ trên đất ươm. Việc này sẽ giảm tối đa tổn thương lên chỗ vết cắt và giữ thuốc không bị tuột ra ngoài.
E. Đặt hom vào lỗ.
F. Nén đất vừa phải để hom đứng vững.

Rất cần thiết phải giữ hom giâm ở chỗ không khí có độ ẩm cao và râm mát. Có nhiều kiểu thiết kế môi trường giâm tùy điều kiện của bạn. Có thể là đặt vào thùng xốp và che bằng kính hoặc nilon trong, hoặc thiết kế hệ thống phun sương. Nguyên tắc chung là giảm tối đa mất nước và tránh ánh nắng trực tiếp (ánh nắng trực tiếp sẽ làm hom bị nóng và mất nước, đặc biệt là với kiểu đậy thùng xốp vì tạo hiệu ứng nhà kính).

Cần thường xuyên kiểm tra xem hom có bị nấm bệnh không. Nếu có hiện tượng bệnh cần loại bỏ cây nhiễm bệnh tránh lây cho cây khác, tăng tưới nước liên tục để tạo không khí lưu thông giàu O2 trong đất giâm, phun thuốc trị nấm (với dân bonsai có sẵn thuốc bôi lũa thì pha 1cc thuốc với 2 lít nước phun trên bề mặt hom và đất giâm là tiện nhất). Mặt khác cần giữ nền giâm sạch sẽ bằng cách nhặt bỏ hết lá rụng và hom chết.

Huấn luyện hom đã ra rễ

Thời gian ra rễ của cây lá kim khá dài, thông thường 3-4 tháng từ khi giâm tới lúc có bộ rễ hoàn chỉnh. Do đó cần lên một kế hoạch chu đáo để đảm bảo trong suốt thời gian đó cây không bị khô nước. Sau chừng 3 tháng, có thể đánh cây từ khay sang bầu. Liệu bạn có thắc mắc rằng sao biết cây nào sống cây nào không? Thực ra cũng dễ thôi, cây nào có rễ là cây đó chắc sống! Còn cây lá kim nói chung có thời gian xanh lá rất dài nếu được cắm xuống đất. Một cành tùng cối có thể xanh tới 6 tháng rồi mới khô, nhổ lên chẳng thấy có cọng rễ nào. Cho nên sau 3 tháng mà ko có rễ thì bỏ đi không tiếc.

Khi hom đã ra rễ cần phải chuyển sang bầu ươm có nhiều dinh dưỡng hơn nếu không hom sẽ bị thiếu chất. Thêm vào đó, việc để hom quá lâu trong bầu sẽ khiến các rễ ăn sâu vào nền đất và sẽ bị tổn thương khi nhấc hom ra. Thông thường trong bonsai, đây là giai đoạn vào thẳng chậu ươm lâu dài (vài năm), nên cần làm đất ở bầu ươm thật tốt. Mình khuyên nên chọn chất trồng vô cơ hạt độ vừa phải chia làm 3 phần.

  1. Phần 1/3 đáy bầu dùng loại hạt thô cỡ 1cm để thoát nước tốt.
  2. Phần 2/3 trên dùng hạt cỡ 3mm, đây là phần chính cho rễ phát triển.
  3. Xung quanh rễ mới ra dùng loại hạt mịn 1mm để nhử rễ.

Phần phân bón sẽ được bỏ trên bề mặt bầu, khi tưới phân sẽ theo nước trôi xuống dưới rễ. Không nên trộn phân trực tiếp vào đất và không nên để các loại phân nhanh tan như đạm trên mặt chậu.
Cần thiết phải tiếp tục duy trì môi trường không khí ẩm và ánh sáng dịu cho cây mới chuyển bầu. Sau đó chừng 1 tuần bắt đầu đưa ra ngoài môi trường bình thường.

Khi đặt hom vào bầu, cần cố gắng chỉnh bộ rễ sao cho hài hòa thẩm mỹ về sau bằng cách cho 1 phần đất vừa đủ vào bầu; sau đó 1 tay cầm hom đặt hờ lên đất, 1 tay chỉnh lại rễ như ý rồi rắc từ từ chất trồng lên trên. Cuối cùng nén chặt vừa phải và tưới đẫm nước cho đất chui kín các khe hở.

3 hệ thống giâm hom thường dùng:

  1. Luống giâm phun sương. Luống đặt nơi ít gió.
  2. Hòm kính đựng các loại hom dễ ra rễ được cắm trực tiếp vào bầu ươm.
  3. Chậu trùm túi nilon dành cho việc nhân giống số lượng ít.

Khả năng nhân giống cây lá kim ở Việt Nam

Trong số 30 loài cây lá kim được biết tới ở Việt Nam thì đã có hơn một nửa số loài được thí nghiệm nhân giống thành công bằng giâm hom. Kỹ thuật giâm hom cành đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn nguồn gien các loài cây quý hiếm, đặc biệt là cây thuộc họ Hoàng Đàn (Cupressaceae) và Thông Đỏ (Taxaceae). Hầu hết các thí nghiệm được tiến hành trong khoảng từ Trung Thu tới đầu xuân, khi mà các loài này ở giai đoạn ngừng sinh trưởng. Các loài thuộc họ Thông (Pinaceae) và Kim Giao (Podocarpaceae) ít được nghiên cứu hơn, nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng trong trồng rừng vô tính và nhân giống làm cây bonsai.

Một vài hình ảnh về nhân giống cây lá kim từ hom:

Thông năm lá pà cò (ngũ châm tùng)


Tùng la hán

Tùng cối

Theo bonsaininhbinh.com

Nhận xét