Lý do kiến tạo rừng bonsai

Hết sức thực tế để nói ngay với các bạn rằng: hầu hết những khu rừng Bonsai được kiến tạo do một trong hai lý do dưới đây:
1. số cây sửa soạn cho bonsai quá chậm lớn, đưa vào rừng bonsai chủ nhân của đám cây sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, đỡ sốt ruột hơn trong chờ đợi. Người Nhật và Âu Mỹ thường đưa cây Beech (Fagus ) vào Rừng vì lý do này.

2. Một hoặc hai cây có thành phẩm bonsai bị một lỗi khó sửa. Nếu đưa cây này vào rừng, lỗi sẽ được xóa.

Hoặc các bạn cũng có thể tổng hợp cả hai lý do trên để đưa một số cây nhiều cỡ cùng chủng loại hoặc khác chủng loại vào một khu rừng bonsai.

Một câu hỏi thường được đưa ra là: Có cần phải thực hiện khu rừng với cùng một chủng loại cây?

Trả lời: không có quy tắc nào cấm bạn thiết lập một khu rừng nhiều chủng loại cây. Có điều, một thực tế là rừng nhiều chủng loại sẽ khó chăm sóc (vì mỗi cây một kiểu, một chế độ phân bón, nước nôi). Và điều khó nhất là: các khác chủng loại dễ xảy ra tình trạng “lấn át lẫn nhau mà chết” hơn là rừng một chủng loại.

Luật phối cảnh: căn bản kiến tạo rừng bonsai

Phần căn bản nhất để kiến tạo một cụm rừng Bonsai dựa trên luật phối cảnh. Khi nói đến từ “RỪNG” là chúng ta cảm nhận 2 ý niệm: nhiều và sâu.

Chuyện về chữ nhiều thì khỏi phải bàn, các bạn hẳn đã thấy ngay.
Nhưng nhiều là bao nhiêu?
Dĩ nhiên nhiều là hơn 1. Nhưng nếu chỉ là 2 thì e chưa đủ sức thành rừng. Nên có lẽ số 3 là tối thiểu số cây cần có để tạo lập khu rừng. Đúng câu ông bà ta vẫn nói: ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Nếu bạn đặt tác phẩm bonsai ba cây Thông dưới đây vào một khung cảnh thích hợp, bạn có thể dễ dàng tưởng tượng được ngay bạn đáng đứng ngắm mấy cây Thông ở một cụm rừng đầu non.

Trong khi một tác phẩm bonsai cả mấy chục cây dưới đây mà bảo là một tác phẩm “rừng” thì quả là khó tưởng tượng nổi.

Như vậy, số cây để tạo một khu rừng bonsai không phải là một vấn đề quan trọng. Bạn muốn dùng bao nhiêu cây cũng được. Không có một luật nào bắt bạn phải có số lượng như thế nào.
Tuy nhiên, nếu bạn tin vào chuyện: số 4 là tử, số 8 là thiếu may mắn …và bạn tránh xài thì tùy bạn.

Vấn đề chính của của rừng nằm ở: chiều sâu.
Và đồng thời, vấn đề chiều sâu sẽ kéo theo một số chuyện liên quan:

  • Sức mời gọi của khu rừng.
  • Nét bí hiểm của khu rừng.

Nghĩa là, việc đầu tiên chúng ta cần quan tâm trong việc kiến tạo Rừng bonsai là phải tạo được chiều sâu của khu rừng.
Trước khi đi vào giải thích cụ thể, mời bạn làm quen với vài khái niệm về luật phối cảnh như sau:
a. Điểm cuối mắt

Khi các bạn thực hiện kiểu rừng có một lối đi xuyên rừng (mình gọi là kiểu rừng nhìn dọc). Lối đi này có thể rõ ràng, hoặc mờ mờ lá phủ…tùy bạn, cuối đường sẽ thường là điểm cuối mắt (vanishing point).

Tức là điểm mà những vật thể càng gần điểm này sẽ càng nhỏ, và nếu bạn chỉ còn thấy cái ngọn hay đỉnh của vật thể thì có nghĩa là vật thể đó vừa đi hơi quá điểm cuối mắt và “tụt xuống ” dốc trước khi biến mất (vanishing).

Giống như các bạn hay thấy đạo diễn xử dụng kỹ thuật này để nhấn mạnh: một người giã biệt ra đi mà hy vọng trở lại rất nhỏ. Tới cuối đường, người đó nhỏ dần và mất dần chân, mình, rồi chỉ thấy cái nón đội đầu trước khi biến mất.

b. Đường chân trời

Chúng ta chưa đề cập đến đường chân trời , nhưng mục kế tiếp các bạn sẽ thấy liên hệ giữa đường chân trời và góc nhìn khu rừng .

c. Đường cong cận cảnh

Tính mời gọi mắt người xem “xuyên rừng” hay không là do đường cong cửa rừng này có “ngọt” hay không.

Các bạn thấy là không nên bằng phẳng, lộ liễu, nhưng cũng không nên đá mỏm nhấp nhô khiến mắt người xem bị ngập ngừng. Ngay trong những tác phẩm tiểu cảnh, đường cong cận cảnh (Curvilinear perspective line) này rất quan trọng và được diễn tả vụng hay khéo sẽ đưa đến những cảnh tượng khác nhau.

Thường thì mắt người xem sẽ tiến vào điểm lõm nhất của vòm cong này. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh sao cho vật thể ở điểm cuối mắt sẽ thấp thoáng. Tức là mắt người xem phải hơi nghiêng qua nghiêng lại (từ A qua B, như hình đồ dưới) mới thấy được vật thế bé xíu ở điểm cuối rừng.

Có như thế , nét rừng của các bạn sẽ sinh động hơn. Chứ mà rõ mồn một như rừng dưới đây thì chả có gì phải xem lâu. Mặc dù rừng cây si này cũng không tệ, nhưng giá được thêm vài chi tiết phụ kiện nữa thì hay hơn nhiều. Câu hỏi mở cho bạn là bạn thử nghĩ xem nên cần những gì?

Để minh họa cụ thể, giả sử bây giờ chúng ta xếp ba cành cây này ngang nhau trước mặt. Các bạn có thể tưởng tượng đó là 3 cây: cây lớn (cao nhất), cây vừa và cây nhỏ.
Các bạn thấy được điều gì?
Chả có gì cả. Chỉ là ba cây đứng gần nhau.

Nếu bây giờ bạn dời cây vừa bên tay phải ra đằng sau cây lớn nhất một chút xíu, bạn thấy chuyện gì xảy ra?

Có vẻ như không mấy khác biệt với hình đầu tiên phải không bạn? Lý do vì khoảng cách giữa ba cây có vẻ bằng nhau (theo chiều ngang). Nếu bạn dời thêm cây nhỏ xíu bên trái ra sau một chút, và khoảng
ngang giữa ba cây vẫn gần bằng nhau, bạn thấy một chút gì đó thay đổi về chiều sâu nhưng chưa rõ nét.

Bây giờ bạn đưa cây nhỏ bên trái tới gần cây lớn (theo chiều ngang) bạn sẽ thấy chiều sâu đã biến đổi khá nhiều.


Thực sự thì khoảng cách về chiều sâu giữa 3 cây (nhìn từ trên xuống) có hơn nhau bao nhiêu đâu.

Để nhấn mạnh chiều sâu của tác phẩm hơn nữa, ta sẽ thêm vào vài viên đá. Những viên đá được đặt giữa cây lớn và cây vừa, để giúp cho mắt bạn phân định được: cây vừa đứng sau tảng đá, tức là bạn cảm được rằng cái cây vừa nó cũng cao như cây lớn thôi. Có điều nó ở hơi xa (sau tảng đá) nên nó nhìn hơi thấp. Còn một viên đá cuội nhỏ, bạn để gần cây bên trái. Vì cây bên trái quá nhỏ và viên đá cũng nhỏ, dễ cho bạn liên tưởng tới một cái cây ở thật xa (xa đến độ chả sao phân biệt được cành với lá). Còn viên đá nhỏ sẽ như một mỏm núi cuối chân trời vậy.
Đến đây thì chắc các bạn đã có ít ý niệm về chiều sâu của đám cây do cỡ lá, do chiều cao của cây và do khoảng cách giữa chúng tạo cho bạn “cảm giác sâu” nhiều, ít.

Theo: Lê Đức Thiện - bonsaininhbinh.com

Nhận xét