Các thành phần căn bản của rừng bonsai
Để dễ dàng tạo được chiều sâu cho tác phẩm Rừng bonsai, người ta thường dựa vào kiểu dáng của ba cành mà mình ví dụ ở trên.
Người ta đặt tên: cây chủ, cây phụ tá và cây khách. Đó là những danh từ thường dùng khi kiến tạo hòn non bộ, tiểu cảnh.
Với cây, chúng ta có thể dùng hình ảnh gia đình để dễ thể hiện hơn: Chồng, Vợ và Con Trai.
Đó là hình ảnh của ba cây chủ lực trong cụm rừng. Bất kỳ cụm rừng bạn thiết kế có bao nhiêu cây chăng nữa, thì không có cây nào cao hơn, lớn gốc hơn, lớn thân hơn ba cây chủ lực trên.
1. Cây chủ
Dĩ nhiên, trong ba cây trên, cây chủ rừng sẽ là cây to nhất, cao nhất và đẹp đẽ hùng vĩ nhất. Vóc dáng và thế đứng của cây sẽ bao trùm toàn khu rừng. Dĩ nhiên, trên thực tế, các cành nhánh của cây chủ chỉ bao trùm một phần khu rừng. Nhưng ở mặt tinh thần của khu rừng, cây chủ phải đủ uy lực thống lĩnh. Có như thế, khu rừng của bạn mới có hồn được.
Sở dĩ mình nói với các bạn được như thế vì đó là “thói quen sinh tồn” của “giới động vật”. Hễ cứ có bầy, có đàn là sẽ có”một anh đầu đàn”. Với thói quen đó, khi chúng ta (ở giới động vật) ngắm nhìn “đám cây” (giới thực vật), thường cũng áp dụng luôn “chính sách đầu đàn” cho giới thực vật. Vô hình chung, chúng ta dễ có quan niệm với đám cây đều đều như nhau: không đầu đàn, không kỷ cương, không đáng xem!
Tuy nói là uy lực bao trùm khu rừng, thế nhưng sức thống lĩnh của cây chủ cũng chỉ nên khoảng 45-50%. Nếu sức mạnh của cây chủ quá lớn, tạm gọi là 90% (các bạn chịu khó cảm nhận vấn đề này), lúc đó toàn bộ những cây chung quanh cây chủ chỉ còn giá trị như một đám cỏ lau quanh cây chủ.
2. Cây phụ tá
Nhiệm vụ của cây số 2 rất nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng y hệt như các bạn thấy nhiệm vụ của người phụ nữ thời xưa. Tức là lúc nào người vợ cũng đứng khuất sau đức phu quân của mình. Rất hiếm khi người vợ lộ diện khi đã có ông chồng đứng mũi chịu sào.
Thế nhưng, rồi các bạn sẽ thấy trong khu rừng, nếu không có cây số 2 để so sánh, Để làm “vật đối chứng”, các bạn khó thấy được sự to cao, uy mãnh, hùng vĩ của cây chủ.
3. Cây khách
Tuy nhỏ bé nhưng không có cây số 3, khu rừng sẽ không có chiều sâu. Rất nhiều tác phẩm “rừng bonsai” đã để mất chiều sâu vì thiếu cây số 3 bé bỏng này.
Trong vấn đề số lượng cây tạo rừng bonsai , chúng ta cần để ý tới 2 tư tưởng: Đông phương và Tây phương.
Trong thiết kế cụm rừng bonsai, tư tưởng Tây phương chỉ cần mục đích tạo được một khu rừng hợp lý, có chiều sâu. Kế đến, tính cách mỹ thuật, cân đối, tỷ lệ….theo sau. Số lượng cây không thành vấn đề. Do đó, người chơi bonsai Âu Mỹ họ chỉ gọi cây 1, cây 2, cây 3 và các cây phụ. Thế là đủ cho khu rừng.
Trong tư tưởng Đông phương, vấn đề có vẻ không đơn giản chỉ như vậy. Ngoài vấn đề kiêng cữ những con số không tốt, người chơi bonsai Đông Phương thường có thêm chút tham vọng gởi gắm vào tác phẩm rừng của mình một hình thức “Đại gia đình”. Ít thì “Tam đại đồng đường” nhiều thì “Ngũ đại đồng đường”.
Tức là một tác phẩm rừng bonsai sẽ có mặt cây chủ (tượng trưng ông nội), cây 2 (tượng trưng bà nội), cây 3 (tượng trưng con trai cả) và cứ thế ….mỗi cây là tượng trưng cho một thành viên của ước muốn
“Đại gia đình” (tam đại hay ngũ đại) của chủ nhân khu rừng. Khu rừng sẽ đầy đủ ông bà con cháu chắt.
Tác phẩm rừng goshin của cụ John Naka gồm 11 cây tùng kim, như cụ nói đó là tượng trưng cho 11 người trong gia đình cụ
Vì thế, thường thì những khu rừng bonsai của các tác giả Đông Phương thực hiện rất dễ bị rối nếu không để ý tuân thủ một số quy tắc thiết kế Rừng. Thường thì chủ nhân khu rừng khi tạo tác dễ bị ý nghĩa “Đại gia đình” lấn át phần kỹ thuật tạo chiều sâu, cùng nghệ thuật tạo nét thần cho khu rừng.
Từ những dẫn giải ở trên, ta có thể có 3 kiểu rừng cơ bản như sau:
a. Kiểu số 1
Những ô vuông trong đồ hình bên dưới tượng trưng cho những tảng đá. Tuy chúng chỉ là phụ kiện nhưng có một số tác dụng tốt đối với mục đích tạo chiều sâu cho tác phẩm như ví dụ bên trên.
b. Kiểu số 2
Các bạn nên để ý kỹ kiểu số 2 này. Hiện nay theo mình thấy, không hiểu sao rất nhiều vị thích thực hiện rừng ở kiểu 2 trong các tác phẩm trưng bày hoặc qua sách vở, tạp chí.
c. Kiểu số 3
Ở kiểu số 3, cây số 3 chạy tuốt ra ngoài cùng bên tay phải. Những bạn nào thích lập rừng cho ý tưởng “ngũ đại đồng đường” thì hẳn là nên dùng kiểu này. Nghĩa là, cây số 1 và số 2 đứng cạnh nhau. Chồng trước vợ sau, và chung quanh một lô con cháu chắt chút.
Tầm xa
Hiểu được cái gì tạo nên cảm giác về tầm xa của khu rừng thì bạn sẽ tạo được một tác phẩm có tính thống nhất, không bao giờ bị người xem phê phán về tính hợp lý của tác phẩm.
Tại sao vậy? Ví dụ ta phân ra làm 3 khoảng cách 200m (xa), 100m (trung bình) và 20m (gần ngay bìa rừng) chẳng hạn; bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn về mức độ chi tiết của cành lá, rễ, các đường gân trên thân, cỏ, vỏ cây v.v Nếu tầm nhìn càng xa thì ta chỉ thấy thân chính và tán lá, lá rất nhỏ gần như không phân biệt được rõ các lá với nhau, tác phẩm sẽ không trồng cỏ mà chỉ trồng rêu (tượng trưng cho cỏ)
Ví dụ cụ thể:
trong tác phẩm rừng Goshin này tầm nhìn là gần bởi ta thấy rõ rễ lồi lên khỏi mặt đất và quan sát thấy một chút mặt bên dưới của tán lá
trong tác phẩm rừng này tầm nhìn là xa bởi ta không thấy phần gốc rễ rõ rệt, không thấy mặt dưới tán lá, không thấy rõ vỏ thân v.v
Theo: Lê Đức Thiện - bonsaininhbinh.com
Nhận xét